1. KIM MẠT ĐẾ HOÀN NHAN THỪA LÂN
Kim Mạt Đế (? - 1234), tên thật là Hoàn Nhan Thừa Lân, Hoàng đế thứ 10 và là vị vua cuối cùng của nhà Kim trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Với thời gian làm vua chưa đầy 1 ngày, ông là hoàng đế ở ngôi ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Hoàn Nhan Thừa Lân là hậu duệ của Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả. Hoàn Nhan Thừa Lân có tài võ nghệ, được bổ nhiệm làm võ tướng nhà Kim. Nhờ có tài, dũng cảm thiện chiến, ông được Kim Ai Tông (Hoàn Nhan Thủ Tự) trọng dụng.
Tháng 12 năm 1233, quân Mông Cổ tiến đến vây hãm Thái Châu. Kim Ai Tông bèn phong Hoàn Nhan Thừa Lân làm Phòng thủ soái phía đông, giao toàn bộ trọng trách giữ thành cho ông.
Quân Mông Cổ rất mạnh, liên tiếp công phá thành từ phía tây. Phía nam, quân Tống cũng áp sát. Nhà Kim rất nguy ngập, Ai Tông lo sợ, quyết định nhường ngôi cho Hoàn Nhan Thừa Lân đổi niên hiệu từ Thiên Hưng sang niên hiệu mới là Thịnh Xương. Ông trở thành vị vua thứ 10 nhà Kim trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tức là Kim Mạt Đế.
Kim Mạt Đế vừa lên ngôi nửa ngày thì liên quân Mông - Tống áp sát thành Thái Châu. Quân Kim bị đánh tan tác, bản thân Kim Mạt Đế cũng tử trận trong đám loạn quân cấm thành. Sau khi nhà Hậu Kim thành lập, Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã truy tôn Hoàn Nhan Thừa Lân thụy hiệu Định Văn Khuông Vũ Mẫn Hoài Hoàng Đế.
Thái Châu thất thủ, nhà Kim diệt vong sau 120 năm, tổng cộng có 10 đời vua.
2. ĐƯỜNG THƯƠNG ĐẾ LÝ TRỌNG MẬU
Đường Thương Đế (? - 5/9/714), còn gọi là Đường Thiếu Đế, tên thật Lý Trọng Mậu, là một vị Hoàng đế của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì trong một thời gian ngắn trong năm 710, từ 8/7/710 - 25/7/710, chỉ 17 ngày.
Vào năm 710, Vi hoàng hậu và con gái của bà là An Lạc công chúa Lý Khỏa Nhi là những người có quyền hành cực lớn, nhưng Lý Khỏa Nhi vẫn không thể thuyết phục Trung Tông phong cho mình làm Hoàng thái nữ tức công chúa kế vị. Trong khi đó, Vi hoàng hậu lại muốn mình trở thành Nữ hoàng giống như người mẹ chồng là Võ Tắc Thiên và các sử gia Trung Hoa cho rằng bà cùng Lý Khỏa Nhi đã đầu độc Trung Tông vào tháng 7 năm 710. Vi hậu sắp xếp để Lý Trọng Mậu, khi đó là Ôn vương, kế vị Trung Tông làm Hoàng đế, hy vọng có thể kiểm soát được vị hoàng đế còn quá trẻ tuổi này trong vai trò của một Thái hậu nhiếp chính.
Khoảng nửa tháng sau, tin rằng Vi thái hậu có thể chống lại mình, con trai của Đường Duệ Tông Lý Đán là Lâm Tri vương Lý Long Cơ cùng Thái Bình công chúa đã nổi loạn, giết chết Vi hậu và Lý Khỏa Nhi. Lý Trọng Mậu sau đó bị ép nhường ngôi cho Lý Đán.
Sau khi Trọng Mậu bị đuổi ra khỏi ngai vàng, ban đầu ông vẫn ở trong cung để ngăn không cho ai lợi dụng mình làm đảo chính. Năm 711, ông được phong làm Tương vương và đảm nhận chức Thứ sử Tập Châu (ngày nay là Ba Trung, Tứ Xuyên), 500 cấm quân được giao nhiệm vụ kèm ông để bảo vệ, thực chất là để giám sát.
Năm 714, khi Lý Long Cơ đã lên ngôi (tức Đường Huyền Tông), Lý Trọng Mậu chết. Lý Long Cơ đã phục hồi địa vị Hoàng đế và truy tặng thụy hiệu cho ông là Thương Hoàng Đế, để tang 3 ngày, nhưng không phải là 3 năm như đối với các hoàng đế khác. Ông dường như là không có con, do trong khi anh trai của ông là Tiết Mẫn thái tử Lý Trọng Tuấn chết năm 707 đã được liệt kê con cái thì ông lại không.
3. HÁN PHẾ ĐẾ LƯU HẠ
Lưu Hạ (92 TCN - 59 TCN), tức Xương Ấp Vương, là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, chỉ tại vị 27 ngày năm 74 TCN.
Lưu Hạ là cháu nội của Hán Vũ Đế, con của Xương Ấp Ai vương Lưu Bác. Năm 86 TCN, sau khi cha mất, Lưu Hạ được thế tập tước Xương Ấp vương. Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế qua đời khi mới 21 tuổi và không có con nối nghiệp, đại thần phụ chính là Hoắc Quang lập Xương Ấp Vương lên ngôi.
Lưu Hạ được mô tả vốn là người có bản tính lưu đãng, khi về Tràng An làm vua đã mang theo 200 thủ hạ. Lưu Hạ cùng các thủ hạ ăn chơi sa đọa, làm nhiều việc thất đức, không lo việc triều chính. Ông quan hệ với các cung nữ của Chiêu Đế, lấy xe của Hoàng Thái hậu cho nô tỳ dùng, khiến các phép tắc trong triều bị đảo lộn.
Đại thần Hoắc Quang và các triều thần rất tức giận, bèn cùng nhau dâng thư lên cung thỉnh chỉ ý của Thượng Quan Hoàng Thái hậu để phế truất đương kim Hoàng đế Lưu Hạ, lập Đích hoàng tằng tôn của Vũ Đế là Lưu Tuân điện hạ lên ngôi, kế thừa đại thống tức là Hán Tuyên Đế.
Một thời gian sau khi nhượng vị, vào năm 63 TCN Hán Tuyên Đế giáng phong Lưu Hạ làm Hải Hôn hầu. Ông qua đời năm 59 TCN, thọ 33 tuổi.
4. MINH QUANG TÔNG CHU THƯỜNG LẠC
Minh Quang Tông tên thật là Chu Thường Lạc, sinh vào ngày 28 tháng 8, năm 1582 tại Tử Cấm Thành. Ông là con trai trưởng của Minh Thần Tông Chu Dực Quân, mẹ đẻ là Hiếu Tĩnh Hoàng hậu Vương thị, vốn là một cung nữ hầu hạ trong cung của Từ Thánh Lý Thái hậu.
Một lần, Minh Thần Tông vào Từ Ninh cung thăm Lý Thái hậu, ông gặp cung nữ Vương thị thì đem lòng yêu thích, liền lâm hạnh và ban cho nàng một ít trang sức. Sau đó, Vương thị mang thai, Từ Thánh Thái hậu phát giác, tra vấn Vạn Lịch Đế nhưng ông kiên quyết không nhận, còn có ý dùng thuốc bỏ đi đứa bé. Thái hậu bèn sai quan Thái y tra vấn, chứng thực Vương thị có thai với Hoàng đế, nên gây sức ép bắt Vạn Lịch Đế lập Vương thị làm phi tần. Và bà được Vạn Lịch Đế phong làm Cung phi.
Không lâu sau, vào ngày 22/2/1586, sủng phi của Thần Tông là Trịnh Quý phi sinh hạ Hoàng tam tử Chu Thường Tuấn (朱常洵), cực kì sủng ái. Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc do mẫu thân bị thất sủng, cũng không được Thần Tông coi trọng. Trong khi đó tại triều đình, theo luật lệ truyền thống của Nho giáo, lập Thái tử thì lập đích, nếu không lập đích thì lập trưởng, sau mới tới lập hiền, do đó Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc rất được đại đa số quần thần đồng ý ở vị trí Thái tử. Tuy nhiên, Thần Tông Vạn Lịch do quá yêu quý hai mẹ con Trịnh Quý phi, không chịu được ý kiến này, đã cấm toàn triều đình nhắc tới vấn đề này.
Bị thất sủng, Chu Thường Lạc không được Thần Tông coi trọng ngay cả việc học hành, mãi đến năm 13 tuổi thì ông mới bắt đầu được mở thư phòng học sách, một số tuổi quá trễ đối với một Hoàng tử thông thường. Và mãi sau đó nhiều năm, ông không được chỉ định cho một thầy giáo nào để dạy về Nho giáo cũng như các sách kinh sử khác.
Tháng 10/1601, trước sức ép quá mạnh của quần thần và nhất là từ Từ Thánh Hoàng Thái hậu, bà nội của Chu Thường Lạc, ông mới được Thần Tông tấn phong làm Thái tử, khi đó đã 19 tuổi. Thái tử Chu Thường Lạc nổi tiếng khả ái nhân từ, được lòng các đại thần, dẫu vậy địa vị của ông vẫn bất ổn do không được lòng Thần Tông.
Năm 1620, ngày 18/8, Minh Thần Tông Vạn Lịch Hoàng đế qua đời, Thái tử Chu Thường Lạc lập tức kế vị. Ông cho gọi các đại thần đã bị đày đi vì bênh vực mình trở về kinh, trao lại chức tước, cải niên hiệu thành Thái Xương.
Sau khi lên ngôi, ông trở nên hoang dâm vô độ. Trịnh Quý phi trong quá khứ từng mắc lỗi với ông, đã đem hiến cho ông rất nhiều mỹ nữ. Nực cười nhất là mặc dù sức khỏe vô cùng yếu đuối, nhưng ông vẫn thu nhận tất và ngày đêm ân ái với họ. Có đêm ông còn mây mưa với nhiều mỹ nữ cùng một lúc.
Chính vì sức khỏe yếu lại quá tham lam nữ sắc, ông ngã bệnh. Ngự y trong một lần thăm bệnh, đã dâng cho ông một viên Hồng hoàn, có màu đỏ, được điều chế từ sữa người. Hoàng đế dùng xong thấy rất dễ chịu, lại do dược lực chưa đủ nên đòi dùng thêm 2 viên hồng hoàn nữa. Uống xong liền thấy người phấn chấn, bèn cho gọi mấy mỹ nhân vào để vui vầy cùng lúc. Kết quả là tinh ra không dứt.
Ngày 01/9/1620, Thái Xương Đê Chu Thường Lạc chết ngay trên bụng một mỹ nhân của ông, hưởng dương 39 tuổi. Ở ngôi đúng 29 ngày!
Con trai trưởng của ông là Chu Do Hiệu kế vị khi vừa 16 tuổi, tức Minh Hy Tông. Chu Thường Lạc được dâng miếu hiệu là Quang Tông, thụy hiệu là Sùng Thiên Khế Đạo Anh Duệ Cung Thuần Hiến Văn Cảnh Vũ Uyên Nhân Ý Hiếu Trinh Hoàng đế, an táng tại Khánh lăng.
5. NGUYÊN THIÊN THUẬN ĐẾ
Nguyên Thiên Thuận Đế tên thật là Borjigit Arigabag (Hán Việt: Bột Nhi Chỉ Cân A Tốc Cát Bát) (1320-1328), là hoàng đế thứ 7 của nhà Nguyên và là đại hãn thứ 11 của đế quốc Mông Cổ. A Tốc Cát Bát là con trai cả của Nguyên Thái Định Đế Dã Tôn Thiết Mộc Nhi.
Mẹ của ông, Babukhan Khatun, xuất thân từ gia tộc Khunggirad, người đã nắm quyền thông qua hôn nhân với gia đình hoàng tộc. Ông trở thành Thái tử lúc còn nhỏ vào năm 1324. Vào tháng 8/1328, sau khi Thái Định đế chết ở Mạc Bắc, ông đã được chọn kế vị bởi một sĩ quan Hồi giáo là Đảo Thích Sa trong tháng tới.
Tuy nhiên, cái chết đột ngột của Nguyên Thái Định đế đã gây ra một cuộc nổi dậy của một phe chống chính thống, những người không hài lòng với sự lộng quyền của các đám cận thần của ông ta bao gồm Đảo Thích Sa, người đã phụng sự ông kể từ khi ông đóng quân ở Mông Cổ. Trong tháng thứ tám, chỉ huy Qipchaq là Yên Thiếp Mộc Nhi, người đang đóng quân tại Đại Đô, đã tiến hành một cuộc đảo chính và kêu gọi triều đình tôn người con thứ của Nguyên Vũ Tông là Bột Nhi Chỉ Cân Đồ Thiếp Mộc Nhi làm hoàng đế ở Đại Đô, tức Nguyên Văn Tông, niên hiệu là Thiên Lịch. Văn Tông được chào đón vào Đại Đô trong cùng tháng mà A Tốc Cát Bát đăng cơ ở Thượng Đô.
Do một nước không thể có hai vua, 2 phe của A Tốc Cát Bát và Đồ Thiếp Mộc Nhi quyết định giao chiến với nhau. Cuộc nội chiến được gọi là chiến tranh hai đô nổ ra. Quân đội của A Tốc Cát Bát đã vượt qua Vạn Lý Trường Thành tại nhiều điểm và tiến quân thẳng đến Đại Đô; nhưng đã bị quân của Yên Thiếp Mộc Nhi đánh cho tan tác. Vào thời điểm đó, hầu hết quân đội của A Tốc Cát Bát đều bị kẹt ở mặt trận Vạn Lý Trường Thành, và Thượng Đô buộc phải đầu hàng vào ngày hôm sau. Đảo Thích Sa và hầu hết những người trung thành hàng đầu với A Tốc Cát Bát đều bị bắt làm tù binh và sau đó bị phe Đại Đô xử tội chết; A Tốc Cát Bát được cho là đã mất tích, mặc dù khả năng cao là cũng đã bị sát hại.
Như vậy, tổng cộng, Nguyên Thiên Thuận Đế ở ngôi từ đầu tháng 10/1328 đến ngày 14/11 cùng năm, khoảng 40 ngày.
6. TẦN THƯƠNG ĐẾ DOANH TỬ ANH
Doanh Tử Anh (? - 206 TCN), hay Tần vương Tử Anh hay Tần Thương Đế, là vị vua thứ 3 và cũng là vua cuối cùng của nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc, đôi khi ông cũng được gọi là Tam Thế Hoàng Đế hoặc Tần Tam Thế Đế.
Sử ký của Tư Mã Thiên, trong 2 thiên ghi chép khác nhau về thân thế của Tần Tử Anh:
- Tần Thủy Hoàng bản kỷ ghi: ông là "con người anh của Tần Nhị Thế", tức là cháu gọi Tần Nhị Thế bằng chú.
- Lý Tư liệt truyện ghi: ông là "người em của Thủy Hoàng", tức là chú của Tần Nhị Thế.
Cả hai thiên trên đều thống nhất ghi thêm một tình tiết khác: Tử Anh khi mưu giết Triệu Cao có "bàn mưu với hai người con". Hai người con của Tử Anh đủ lớn để bàn đại sự; trong khi Tần Thủy Hoàng - cụ nội của họ theo Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ - nếu còn sống đến thời điểm đó (207 TCN) thì mới 52 tuổi. Điều này khó xảy ra trên thực tế. Giả thuyết Tử Anh là em của Tần Thủy Hoàng có phần hợp lý hơn.
Tử Anh lên ngôi từ cuối tháng 8/207 TCN. Khi đó lực lượng quân Tần ngoài mặt trận đã rất suy yếu, không chống nổi quân chư hầu, liên tiếp bại trận.
Tháng 10/206 TCN, tướng Sở Lưu Bang tiến vào Quan Trung. Khi đến Bái Thượng, Lưu Bang sai người bảo Tử Anh đầu hàng. Tử Anh liệu thế không chống cự nổi, bèn buộc dây ấn ngọc tỷ truyền quốc vào cổ, ngồi trên một chiếc xe gỗ không sơn do một con ngựa trắng kéo mang ấn, phù của thiên tử đầu hàng ở gần Chỉ Đạo.
Tính từ khi Tử Anh lên ngôi cuối tháng 8 tới đầu tháng 10 chỉ có 46 ngày. Tháng 11 năm đó, Hạng Vũ tiến vào Quan Trung, đứng đầu các chư hầu. Tử Anh được Lưu Bang giao nộp lại cho Hạng Vũ. Hạng Vũ giết chết ông và các công tử của Tần, nhà Tần diệt vong.
7. NGUYÊN NINH TÔNG
Nguyên Ninh Tông (1326 - 1332) tên thật là Bột Nhi Chỉ Cân Ý Lân Chất Ban, là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con thứ của Nguyên Minh Tông Hòa Thế Lạt, em trai của Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi.
Năm 1332, Nguyên Văn Tông lâm bệnh nặng. Trước khi chết, vì hối hận việc giết anh cả Hòa Thế Lạt để cướp ngôi trước đây nên ông muốn chuộc lỗi lầm. Văn Tông ra di chiếu chọn con trưởng của Hòa Thế Lạt là Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi lên làm Hoàng đế.
Tuy nhiên, do Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi đang ở xa kinh thành, quyền thần Yên Thiếp Mộc Nhi quyết định chọn con thứ là Ý Lân Chất Ban mới 6 tuổi kế vị để dễ khống chế.
Tuy Ninh Tông lên ngôi nhưng hoàng đế nhỏ tuổi này chỉ là vua bù nhìn. Người nắm quyền thực thụ vẫn là Yên Thiếp Mộc Nhi.
Nguyên Ninh Tông Ý Lân Chất Ban ở ngôi chưa đầy 2 tháng (từ 23/10/1332 - 14/12/1332) đã qua đời lúc mới 6 tuổi. Ông là vị hoàng đế chết trẻ nhất trong các đời vua Nguyên và là một trong những hoàng đế yểu mạng nhất lịch sử Trung Quốc.
Sau khi Ninh Tông qua đời, anh trai của ông là Thoả Hoan Thiếp Mộc Nhi được lựa chọn để kế vị, tức vua Nguyên Huệ Tông.
8. ĐƯỜNG TRUNG TÔNG LÝ HIỂN
Đường Trung Tông (26/11/656 - 3/7/710), tên thật Lý Hiển, là vị Hoàng đế thứ tư và thứ sáu của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, từng hai lần không liên tục giữ ngôi vị Hoàng đế nhà Đường; lần đầu từ 3 tháng 1 năm 684 đến 26 tháng 2 năm 684 và lần thứ hai từ ngày 23 tháng 2 năm 705 đến 3 tháng 7 năm 710.
Sau cái chết của cha là Đường Cao Tông Lý Trị, ông bước lên Hoàng vị, nhưng chỉ có gần 2 tháng thì đã bị mẹ là Võ Thái hậu phế truất, đày đi Phòng Châu.
Sau này Võ hậu cướp ngôi, triều đình xảy ra tranh chấp về người kế vị. Tháng 10 năm 698, nghe theo lời của đại thần Địch Nhân Kiệt, Võ hậu hạ chiếu lập Lý Hiển trở lại làm Hoàng thái tử.
Năm 705, sau cuộc chính biến cung đình, Võ hậu bị ép thoái ngôi trở thành Thái thượng hoàng, ông được phục ngôi vị; khôi phục nhà Đường sau 15 năm gián đoạn.
Thời gian trị vì lần thứ hai của Trung Tông kéo dài 5 năm. Trong những năm đó, quyền lực thực sự trong triều bị Vi hoàng hậu cùng tình nhân là Võ Tam Tư chi phối. Vi hoàng hậu muốn đưa con gái mình là An Lạc công chúa làm Hoàng thái nữ, nhưng Trung Tông không chấp nhận việc này. Đến ngày 3/7/710, Trung Tông đột nhiên qua đời. Nhiều sử gia cho rằng cái chết đột ngột này là do An Lạc công chúa hạ độc.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!