Được biết đến với danh xưng "Tây thái hậu", “Lão phật gia", Từ Hy thái hậu được đánh giá là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi qua đời, bà được truy phong Thụy hiệu "Hiếu Khâm Từ Hy Thụy Hữu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Khâm Hiến Sùng Hy Phối Thiên Hưng Thánh Hiển Hoàng Thái hậu", với lễ tang được tổ chức long trọng nhất trong lịch sử dành cho một Hoàng Thái hậu.
Tuy chỉ là phận nữ nhi, nhưng Từ Hy lại được ví như "phượng hoàng trên đầu thiên tử". Thống trị Trung Hoa trong gần nửa thế kỷ, mặc dù không phải Hoàng đế, nhưng quyền hành trong suốt 3 đời vua đều bị bà thao túng trong tay, vương quan đại thần trong triều thấy thế lại càng thêm khiếp sợ. Cũng chính bởi quyền uy vượt trên thiên tử, lăng mộ của Từ Hy thái hậu còn lớn hơn lăng tẩm của chồng là vua Hàm Phong và con trai Đồng Trị. Những vật bồi táng theo bà hoàng này có giá trị tương đương với quốc khố Thanh triều trong nhiều năm trời. Đó là chưa kể những bức thi họa cổ, trân bảo ngọc thạch với giá trị lớn tới không thể ước tính.
Cùng với những hành động để lại tiếng xấu ngàn đời, lăng mộ xa xỉ của Từ Hy càng làm cho tên tuổi của bà "lẫy lừng" hậu thế.
Trong bộ "Ái Nguyệt Hiên bút ký" của Lý Liên Anh - thái giám tâm phúc của Từ Hy - và người cháu là đồng tác giả có ghi chép rõ ràng về chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của các đồ tùy táng trong lăng mộ xa hoa của "lão phật gia".
Từ Hy sinh thời vốn ham mê châu báu ngọc ngà, khi qua đời còn được mai táng theo số trân kỳ dị bảo có giá trị lên tới hàng trăm triệu lượng bạc. Trong số những báu vật được Từ Hy Thái hậu mang theo vào lăng mộ có 10 báu vật quý giá nhất, đó là:
1. Hoa sen ngọc thạch
Thời Trung Quốc cổ đại, "Ngọc tỷ", "Bích tỷ" là biểu tượng của Hoàng đế, Hoàng hậu ngụ ý là quyền lực, tránh ma quỷ và đem lại may mắn. "Bích tỷ" này là bảo vật mà Từ Hy Thái hậu thường đặt bên gối. Theo ghi chép, khi Từ Hy Thái hậu chết, có chôn theo một đóa hoa sen được làm từ ngọc xanh có trọng lượng khoảng 5.092 g.
2. Thúy ngọc cải trắng
Đây cũng là vật phẩm vô cùng trân quý và có tiếng tăm rất lớn. Nó là vật mà Từ Hy Thái hậu yêu thích nhất khi còn sống. Cây cải trắng này đang nhú lên chồi non xanh. Ngoài ra, đi cùng cây cải này còn có hai con bò vẽ màu đỏ và vàng giao nhau. Báu vật này rất sống động, được chế tác rất tinh xảo. Thúy ngọc cải trắng này có tạo hình vô cùng giống với cây cải trắng thật. Nó là từ một hòn thúy ngọc lớn, qua mài và đẽo mà thành.
3. Phỉ thúy dưa hấu
Đây là thiên hạ độc nhất vô nhị bảo vật, được chế tác vào thời nhà Thanh. Tuy tên gọi là phỉ thúy nhưng thật ra báu vật này làm bằng đá Tourmaline nhập từ Mỹ và màu sắc như một miếng dưa hấu, da xanh có vân xanh sậm, ruột đỏ tươi.
Tương truyền, Từ Hy Thái hậu giữ gìn báu vật này giống như mạng sống của mình. Phỉ thúy dưa hấu luôn được bà đặt ở tủ kiên cố nhất và có khóa. Nếu muốn mở khóa này, phải dùng chìa khóa vặn 5 lần sang bên trái thì mới mở được, nếu vặn sai hướng hay nhiều hơn, ít hơn 5 lần thì đều không mở được. Từ Hy Thái hậu còn phái 3 Thái giám thân tín ngày đêm trông coi căn phòng giữ báu vật này. Thi thoảng, Từ Hy Thái hậu lại sai người mang báu vật về phòng ngắm và cho người khác thưởng thức.
Vì Từ Hy Thái hậu rất quý Phỉ thúy dưa hấu nên đã hạ lệnh khi nào bà qua đời thì bồi táng cặp dưa cùng bà. Tuy nhiên, nhóm của Tôn Điện Anh đã đột nhập lăng mộ của Từ Hy và trộm mất rất nhiều kho báu chôn cất cùng bà, trong đó có cặp dưa và hiện không rõ tung tích của nó đang ở đâu.
4. Ngó sen ngọc
Ngó sen ngọc là báu vật mà Từ Hy Thái hậu rất yêu thích. Bên trên ngó sen này còn có lá sen màu xanh mọc ra và nở ra một bông hoa sen màu hồng phấn. Bên cạnh hoa sen còn treo mấy viên mã thầy màu đen, trông vô cùng tinh xảo và tráng lệ. Nhưng sau khi ngôi mộ này bị đào trộm, báu vật này cũng không rõ đang ở đâu.
5. Trân bảo Dạ Minh Châu
Dạ Minh Châu là một trong những kiệt xuất của văn hóa cổ xưa của thế giới. Đồng thời nó còn là một bí ẩn của tự nhiên, lịch sử và văn hóa.
Theo tư liệu ghi chép lại, khi Từ Hy Thái hậu mất đi, người ta đã chôn bà cùng với một viên Dạ Minh Châu ngậm ở trong miệng. Viên Dạ Minh Châu này có thể tách ra thành hai khối và khi ghép lại sẽ tạo thành hình cầu. Khi tách ra, hai nửa Dạ Minh Châu có màu trong suốt nhưng khi ghép lại nó tạo thành một đường ánh sáng. Ban đêm, viên Dạ Minh Châu này phát sáng và chiếu rọi được trong một phạm vi 100 bước. Có thông tin cho rằng, viên Dạ Minh Châu này có tác dụng làm cho thi thể không bị hủy nên khi mở quan tài Từ Hy Thái hậu, người ta phát hiện bà như người đang ngủ. Chỉ khi gặp gió thì mặt của bà mới bị biến thành màu đen.
Viên Dạ Minh Châu mà Từ Hy Thái hậu ngậm trong miệng khi chết có trị giá 10.800.000 lượng bạc, tương đương với 810.000.000 NDT hiện nay (hơn 2.855 tỷ VNĐ). Viên Dạ Minh Châu có kích thước lớn to như một quả cầu. Một số tài liệu ghi chép rằng bảo vật này có trọng lượng khoảng 787.28 carat (hơn 157 gram).
Thật đáng tiếc, lăng mộ chôn cất Từ Hy Thái Hậu bị đào trộm và kẻ to gan xâm phạm nơi an nghỉ của người phụ nữ quyền lực nhà Thanh chính là Tôn Điện Anh. Sau khi đột nhập vào lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu, Tôn Điện Anh đã lấy đi nhiều món đồ tùy táng, bao gồm cả viên dạ minh châu "khủng" đặt trong miệng bà. Theo một số tài liệu, sau khi được lấy ra khỏi lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu, viên dạ minh châu qua tay nhiều người. Trong số những người từng sở hữu bảo vật này có Tống Mỹ Linh - vợ Tưởng Giới Thạch. Người ta kể rằng, Tống Mỹ Linh đã sai thợ kim hoàn đính viên dạ minh châu lên giày của mình. Không ai biết thông tin này có chính xác hay không. Sau nhiều năm, tung tích của viên dạ minh châu từng là báu vật của Từ Hy Thái Hậu trở thành bí ẩn. Hiện không rõ nó lưu lạc ở nơi đâu hay thuộc sở hữu của người nào.
Theo nhiều nguồn khảo cứu, có khả năng viên Dạ Minh Châu đã thất lạc này chính là viên "Kim cương của Đại đế Mogul" lừng danh.
"Kim cương của Mogul" xuất hiện đầu tiên ở miền nam Ấn Độ. Vào năm 1657, nhà nước Hồi giáo Mogul của Ấn Độ chinh phục được hai tiểu vương quốc và thống nhất miền nam Ấn Độ. Những viên dạ minh châu đó được phát hiện đã xuất hiện trong cung điện mang kiến trúc Mogul từ thời điểm này. Tuy nhiên những năm chính biến sau đó, cùng với sự sụp đổ của Vương triều Mogul, loại đá quý bí ẩn này cũng biến mất.
Mặc dù một nhà chuyên nghiên cứu đá quý người Pháp Niamey Tahoua đã khẳng định vào năm 1665 rằng trong một cung điện Mogul còn tồn tại vời thời điểm đó, có viên "đại kim cương Mogul" còn quý giá hơn nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, đó chỉ là loại đá mô phỏng theo "Kim cương của hoàng đế Mogul". Viên dạ minh châu cuối cùng này chỉ còn tồn tại ở Afghanistan.
Vào năm 1760 dưới thời vua Càn Long, nhà vua đã cho quân đàn áp các cuộc nổi loạn tại biên giới, "Viên kim cương của hoàng đế Mogul" đã đến Trung Hoa vào thời điểm đó. Sau này nó được cống nạp đến tay Từ Hy thái hậu và trở thành vật theo chân bà đến suối vàng.
6. Linh lung bảo tháp
Có tài liệu nói rằng, Linh lung bảo tháp này hoàn toàn dùng ngọc mà chế tác thành. Với từng chi tiết tỉ mỉ và công phu như vậy, đòi hỏi phải có thợ thủ công tay nghề tinh xảo và thời gian dài mới hoàn thành được.
7. Cây san hô
Từ Hy Thái hậu đặc biệt yêu thích cành san hô xinh đẹp tráng lệ này. Đầy khắp thân của những cành san hô lớn này là những nhánh san hô nhỏ là những cây anh đào, lá xanh, quả hồng vô cùng sáng. Ngoài ra trên cây còn có một gốc anh đào và một đôi chim bói cá được khảm từ ngọc.
8. Bạng Phật (Phật ngọc trai)
Bảo vật này được làm rất công phu và cầu kỳ từ những viên ngọc trai để tạo hành hình dáng Phật, sau đó người ta đặt nó vào trong cơ thể của con trai để con trai tiết ra một lớp bao xung quanh vật này. Sau một thời gian dài, lớp này phủ lên báu vật kia càng ngày càng dày và cuối cùng tạo thành một hình tượng Phật ngọc trai sáng bóng.
Đương nhiên, mỗi một "Bạng Phật" này sẽ là một báu vật vô giá. Từ Hy Thái hậu chôn theo 18 pho tượng "Bạng Phật" này nhưng cuối cùng đều bị đào trộm mất. Hiện tại người ta vẫn chưa thể xác minh được những pho “Bạng Phật” bị đào trộm này đang ở đâu.
9. Mũ phượng
Đời nhà Thanh, trên mũ phượng hoàng của Từ Hy Thái hậu có gắn 9 con phượng hoàng. 9 con chim phượng hoàng này trong miệng đều ngậm 9 viên Dạ Minh Châu. Mỗi viên Dạ Minh Châu này có kích cỡ to nhỏ là khác nhau. Từ trong bóng tối, những viên Dạ Minh Châu này có thể phát ra ánh sáng trắng, khi đặt ở bên ngoài chỗ có ánh sáng thì nó lại khôi phục nguyên dạng như ban đầu.
10. Tấm chăn kinh phủ trên thi hài của Từ Hy Thái hậu
Tấm chăn này được làm vô cùng tinh xảo khi được thêu 25.000 chữ về bộ kinh Đà La Ni bằng những sợi chỉ vàng. Ngoài ra, trên tấm chăn quý giá này còn được đính kèm tới 820 viên ngọc trai. Có diện tích khoảng 3 m2, tấm chăn lớn này còn được thêu nhiều hoa văn, tượng Phật,....
Người ta cho rằng món đồ này có giá trị hàng trăm triệu lượng. Hơn nữa, quá trình sản xuất thủ công của tấm chăn thêu kinh Đà La Ni còn rất công phu, đòi hỏi phải cần tới vài năm để hoàn thành. Điều này cho thấy giá trị của bảo vật có 1-0-2 này trong lăng mộ của Từ Hy Thái hậu.
Theo các chuyên gia, giá trị của tấm chăn này trong lăng mộ Từ Hy Thái hậu không chỉ nằm ở chính nó cùng những đồ trang sức quý giá ở trên, mà còn nằm ở giá trị lịch sử. Theo đó, tấm chăn thêu xa xỉ này dùng trong hoàng thất và được cho là tồn tại từ thời nhà Nguyên (1271 - 1368).
Tấm chăn kinh này sau đó gửi tới Bảo tàng Cố cung và được sửa chữa, trùng tu tại đây. Trong mấy năm trở lại đây, tấm chăn quý giá đã được những nhân viên thuộc khu bảo tồn Thanh Đông Lăng ở tỉnh Hà Bắc đưa ra ngoài. Đây cũng chính là lần đầu tiên tấm chăn thêu mà Từ Hy Thái hậu yêu quý, được xuất hiện trước công chúng sau gần một thế kỷ.
Những bảo vật trong lăng mộ Từ Hy Thái hậu góp phần hé mở phần nào về cuộc sống xa hoa nhưng cũng đầy bí ẩn phía sau cánh cửa Tử Cấm Thành. Quả thực, những báu vật này không chỉ thể hiện Từ Hy Thái hậu là người giàu có đệ nhất thiên hạ mà nó còn thể hiện nền văn hóa chế tác tinh xảo của Trung Hoa cổ đại. Nếu du khách muốn tự mình khám phá nhiều hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!