Võ Tắc Thiên (624 - 705) là Nữ hoàng đế duy nhất chính thức được công nhận trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Bà từng là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng sáng lập nên nhà Võ Chu, trở thành Hoàng đế duy nhất của vương triều này.
Năm xưa sau khi lấy Đường Cao Tông, bà sinh được năm người con gồm 3 vị Hoàng tử và 2 công chúa. Trong số những hậu duệ ấy, nổi tiếng hơn cả phải kể tới Thái Bình công chúa - người con gái được nữ đế họ Võ rất mực yêu thương.
Thái Bình công chúa (665 - 713) là công chúa nổi tiếng nhất của vương triều nhà Đường nói riêng và cũng là một trong số những phụ nữ hoàng tộc khét tiếng về tham vọng quyền lực, cùng với đó là đời tư bê bối trong lịch sử Trung Hoa nói chung. Thế nhưng ít ai biết rằng, một trong những nguyên nhân khiến vị công chúa này trở thành nhân vật nhận nhiều chỉ trích như vậy lại bắt nguồn từ cái chết của người chồng đầu tiên. Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, người đã sát hại chồng bà lại không phải ai khác mà chính là mẹ ruột Võ Tắc Thiên.
Cái chết uất ức trong tay mẹ vợ của phò mã họ Tiêu
Mặc dù là Hoàng nữ, nhưng bản thân Thái Bình công chúa lại được phụ hoàng và mẫu hậu sủng ái, thiên vị hơn cả các hoàng tử. Năm xưa, bà vốn là viên minh châu được Võ Tắc Thiên cùng Lý Trị nâng niu trên lòng bàn tay, cuộc sống có thể nói là muốn gì được nấy. Cũng bởi vậy mà khi con gái tới tuổi cập kê, Võ Tắc Thiên hết sức coi trọng chuyện thành gia lập thất của Thái Bình công chúa.
Sử cũ ghi lại, phò mã đầu tiên của vị công chúa này là người anh họ tên Tiết Thiệu. Bấy giờ, Tiết Thiệu nổi tiếng là tuấn tú, tài hoa, hơn nữa lại là con trai của chị Đường Cao Tông, cho nên xuất thân cũng được xem là danh giá.
Hôn lễ của Thái Bình công chúa và phò mã họ Tiết năm ấy được cử hành hết sức xa hoa, long trọng. Cuộc sống hôn nhân sau đó của con gái Võ Tắc Thiên cũng từng có một khoảng thời gian đắm chìm trong hạnh phúc.
Tới năm 683, Cao Tông qua đời, Võ hậu trở thành Hoàng Thái hậu, bắt đầu thâu tóm quyền lực để dọn đường cho mục tiêu xưng đế của mình. Vào năm 688, hai vị vương gia họ Lý Đường nổi dậy chống Võ Thái hậu. Gia tộc họ Tiết cũng bị nghi dính dáng tới cuộc làm phản này. Phò mã Tiết Thiệu vì vậy mà bị mẹ vợ hạ lệnh đánh 100 roi và bỏ đói tới chết ở trong ngục. Vào thời điểm phu quân qua đời, Thái Bình công chúa đã có với Tiết Thiệu hai người con trai lớn cùng một người con gái mới sinh. Sau biến cố ấy, bà được phong làm Vạn Tuyền công chúa. Võ hậu vì muốn an ủi con gái nên đã phá lệ cấp đất đai, bổng lộc nhiều hơn bình thường, thực ấp lên tới cả vạn hộ.
Thế nhưng, sau cái chết của người chồng đầu tiên mà Thái Bình hết mực thương yêu, mối quan hệ giữa vị công chúa này và người mẹ ruột là Võ Tắc Thiên đã bắt đầu xuất hiện nhiều rạn nứt không thể hàn gắn.
Tranh cả nam sủng của mẹ và đời sống riêng tư nhiều bê bối của Thái Bình công chúa
Không muốn con gái sống nửa đời còn lại trong cô độc, Võ Tắc Thiên đã đem gả Thái Bình cho người phò mã thứ hai là Võ Du Kỵ. Sử cũ miêu tả vị phò mã họ Võ này vốn là cháu gọi Võ hậu bằng cô, tính cách khiêm nhường, lễ nghĩa. Thế nhưng vào thời điểm được ban hôn, Võ Du Kỵ đã có vợ. Võ Tắc Thiên vì vậy ép buộc vợ ông phải tự sát để lấy con gái mình. Không lâu sau, Thái Bình công chúa tái giá, Võ Tắc Thiên cũng xưng đế và lập ra triều đại Võ Chu.
Trong cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai, Thái Bình sinh được hai người con trai và một người con gái. Thế nhưng vì luôn nặng lòng với người phò mã đầu tiên, vị công chúa này dần trở nên căm ghét và tìm mọi cách để phản kháng mẹ ruột. Cũng kể từ sau biến cố mẹ đẻ hạ sát chồng mình năm xưa, Thái Bình dần thay tâm đổi tính, trở nên khao khát quyền lực, đồng thời cũng sở hữu một đời sống riêng tư với nhiều bê bối. Bà bắt đầu nuôi rất nhiều nam sủng, thậm chí còn cả gan thị tẩm cả nam sủng của mẹ mình.
Các tình nhân nổi tiếng của vị công chúa này năm xưa có thể kể tới như Hòa thượng Huệ Phạm, anh em Trương Xương Tông, Trương Dịch Chi, Cao Tiền, Thôi Thực… Trong đó, anh em họ Trương vốn là sủng nam từng qua tay Võ Tắc Thiên và được Nữ hoàng này rất mực sủng ái.
Đối với hành động của con gái, vị Nữ đế họ Võ lựa chọn mắt nhắm mắt mở cho qua. Thế nhưng Thái Bình công chúa càng lúc càng trở nên càn rỡ. Có giai thoại còn truyền lại rằng, bà từng nhiều lần triệu cả mấy nam sủng trong cùng một đêm để… thác loạn!
Chưa dừng lại ở đó, Thái Bình công chúa còn nuôi tham vọng trở thành Nữ đế giống mẹ mình. Dưới thời Võ Tắc Thiên còn tại vị, bà dù không để lộ tâm cơ nhưng vẫn âm thầm nhúng tay vào việc triều chính.
Sau khi giang sơn về tay nhà Lý Đường, Thái Bình tiếp tục tham gia các cuộc tranh đấu chính trị với An Lạc công chúa và Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Trong cuộc tranh đấu với Lý Long Cơ, bà cuối cùng đã nhận lấy thất bại vào năm 713. Cũng trong năm ấy, Thái Bình công chúa tự vẫn, tài sản đều bị tịch thu, các con của bà cũng bị ban chết, duy chỉ còn Tiết Sùng Giản là được miễn tội.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!